THUẾ ĐỐI ỨNG MỸ - VIỆT: THÁCH THỨC NGẮN HẠN - CƠ HỘI TÁI CƠ CẤU DÀI HẠN
09/04/2025Vào sáng ngày 03/04/2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng áp dụng lên các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, trong đó Việt Nam đứng thứ ba với mức thuế 46%. Mức thuế cao này xuất phát từ công thức tính thuế của Mỹ, vốn phụ thuộc lớn vào mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và từng quốc gia. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan, và cả Trung Quốc. Đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại thấp hoặc không đáng kể với Mỹ, mức thuế đồng đều 10% sẽ được áp dụng.
Mức thuế 46% đối với Việt Nam là rất cao so với mặt bằng chung, gây lo ngại cho kinh tế Việt Nam – một quốc gia định hướng xuất siêu và thu hút FDI để phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây có thể chỉ là động thái đánh phủ đầu nhằm gây áp lực đàm phán các điều khoản có lợi, chứ chưa phải mức thuế cuối cùng. Vì vậy, Việt Nam vẫn có cơ hội đàm với Mỹ để đạt được thỏa thuận tốt hơn hoặc gia hạn thời gian hiệu lực của thuế đối ứng.
Ngay sau thông tin áp thuế, Chính phủ Việt Nam đã họp và đưa ra thông điệp rõ ràng, khẳng định giữ mục tiêu tăng trưởng từ 8%, duy trì mặt bằng lãi suất thấp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng song song với việc tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa thông qua đầu tư công và kích thích tiêu dùng trong nước. Do đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản chưa thay đổi, các ngành tăng trưởng dựa vào nội lực như đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, du lịch vẫn sẽ duy trì đà tăng tốt trong năm 2025.
Xét về cơ cấu thặng dư thương mại với Mỹ, theo thống kê năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khoảng 137 tỷ USD. Trong đó, 50-60 tỷ USD từ các doanh nghiệp FDI Mỹ (Intel, Nike,…) và các công ty gia công cho doanh nghiệp Mỹ (Foxconn, Pegatron,…); các hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, đồ gỗ, một phần dệt may ,… chiếm khoảng 30 -40 tỷ USD; còn lại 30-40 tỷ USD rất có thể là hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Vì vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động giảm thặng dư bằng cách ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc lách thuế để đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn. Bên cạnh đó, các ngành chịu ảnh hưởng đáng kể từ thuế đối ứng như khu công nghiệp hay các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 4.5% chỉ số VNINDEX (theo số liệu 2024) nên tác động lên thị trường chứng khoán là khá hạn chế, các ảnh hưởng gián tiếp vẫn còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán cuối cùng và cần thời gian để đo lường chính xác.
Vì vậy, việc VNINDEX giảm hơn 185 điểm kể từ ngày công bố mức thuế phản ánh tâm lý hoảng loạn của thị trường hơn là sự thay đổi nền tảng cơ bản của các doanh nghiệp niêm yết. TCAM cũng đã chủ động quản trị rủi ro danh mục đầu tư của quỹ TCGF bằng việc nâng tỷ trọng tiền mặt lên 30% từ trước cũng như như hạn chế phân bổ vào nhóm xuất khẩu và khu công nghiệp, thay vào đó tập trung vào các cổ phiếu có động lực tăng trưởng từ bên trong như ngân hàng, đầu tư công và vật liệu xây dựng. Trước bối cảnh thương mại bên ngoài khó khăn thì các nhóm ngành này sẽ càng được hưởng lợi khi Chính Phủ xoay trục tăng trưởng về nội lực trong nước. Ngoài ra, định giá P/B của VNINDEX về mức thấp nhất lịch sử khoảng 1.5 lần củng cố niềm tin của chúng tôi cho một triển vọng dài hạn tích cực của thị trường chứng khoán khi Việt Nam thích ứng với bối cảnh chiến tranh thương mại.
site.binhluanbaiviet